RỦI RO THANH TOÁN QUỐC TẾ TRONG XUẤT NHẬP KHẨU
Rủi ro thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu là vấn đề khá được quan tâm.
Là người chủ điều hành của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bạn phải quan tâm tới sự an toàn cho đồng tiền của mình. Là nhân viên xuất nhập khẩu giỏi, bạn phải có trách nhiệm với đồng tiền của công ty.
Thế nhưng không phải mọi cá nhân hay công ty đều trải qua những rủi ro về xuất nhập khẩu, đặc biệt về thanh toán quốc tế.
Hôm nay, Tôi xin chia sẻ với các bạn những bài học xương máu về rủi ro trong thanh toán quốc tế Xuất Nhập Khẩu. Tại sao bạn nên đọc bài này? Vì 100% các rủi ro này đối tác của chúng tôi đều đã thực tế trải qua. Tại sao các bạn nên coi đây là bài học quý? Vì 100% tình huống trên chúng tôi đều đã gặp phải và đã biết cách để xử lý hiệu quả nhất, khi mà những tình huống thực tế phát sinh không như trong sách vở.
Và vì bạn sẽ không thấy nó ở sách vở nào khác đâu!
Đã làm xuất nhập khẩu, về mảng thanh toán quốc tế thì có 3 thứ quy tắc mà doanh nghiệp nên nằm lòng: UCP 600, ISPB 745 và URC. 3 bộ quy tắc này là cơ bản nhất, được dùng nhiều nhất bởi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và toàn cầu, ai làm xuất nhập khẩu cũng phải nên biết, chứ không phó mặc toàn bộ cho ngân hàng nhé.
Nhưng câu chuyện mà thực tế làm việc Tôi đã trải qua là: hình như CHẲNG CÓ BỘ QUY TẮC NÀO CHUẨN MỰC CHO TOÀN CẦU CẢ! Đều có những vấn đề riêng phát sinh và cần có những giải pháp riêng.
1. Rủi ro thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu. PHÉP VUA CÓ THUA LỆ LÀNG?
Năm 2014, công ty bạn của Tôi có làm ăn với khách hàng Algeria, bán lô hàng 3conts đi cảng Port of Alger, bán giá CIF đó chứ. Lần đầu giao dịch mua bán, cũng lựa chọn phương án L/C trả ngay cho thanh toán, vì không thật tin nhau, là an toàn hơn cả.
Hàng hóa chuẩn bị xong, book tàu, đóng hàng và tàu chạy. Mọi chứng từ xuất nhập khẩu được hoàn thiện thật nhanh, nên vèo cái tàu đi được 2 ngày là có đủ bộ chứng từ rồi. Xuất trình cho ngân hàng Việt Nam kiểm tra và gửi chứng từ gốc, đòi tiền ngân hàng phát hành bên Algeria.
Bộ chứng từ hoàn hảo, đã gửi đi. 5 ngày, LC trả ngay đó, theo UCP là người xuất khẩu sẽ nhận được tiền đó. Thế nhưng 5 ngày, 10 ngày, rồi 30 ngày. 1 điện, 2 điện rồi 5 điện swift đòi tiền mà không có hồi âm, khá lo lắng. Các bạn ạ, luật là thế, nhưng thực tế ra sao, bạn thấy rồi đó. Và cả hơn 1 tháng nhà xuất khẩu mới nhận được tiền của lô hàng, may mắn làm sao. Sau đó, công ty Việt Nam cũng cạch mặt khách hàng Algeria này tới già luôn!
Câu chuyện là gì? Ngân hàng Algeria đã tự ý giải phỏng hàng cho khách hàng đem đi tiêu thụ mà không hề bắt người mua trả đủ tiền cho LC để chuyển cho bên xuất khẩu Việt Nam. Ngân hàng Algeria im lặng, không feedback ngân hàng Việt Nam. Đó, với một số thị trường, đặc biệt châu Phi, L/C cũng không phải là thứ an toàn HOÀN HẢO để doanh nghiệp xuất khẩu tin tưởng tuyệt đối. Phép vua có bị thua lệ làng? Khi mà luật lệ quốc tế được “địa phương hóa” theo quan điểm, ý thích và hành động đơn lẻ của một số đất nước.
Theo ý kiến của Tôi với trường hợp như này, các đơn vị xuất khẩu của Việt Nam cần cân nhắc cẩn thận trước khi mua bán với các đối tác khối châu Phi. Để đảm bảo cho sự an toàn về thanh toán, dù cho có mở L/C, doanh nghiệp của Việt Nam hãy yêu cầu ngân hàng phát hành bên nước ngoài chỉ định thêm 1 ngân hàng trung gian xác nhận lại LC trên (chọn các ngân hàng lớn như HSBC, JP Morgan hay Standard Charter…). LC của bạn sẽ an toàn 2 lần, có sự cam kết thanh toán. Mất thêm một chút phí xác nhận, nhưng đổi lại chúng ta nhận được sự hỗ trợ và cam kết cao nhất của những ngân hàng thuộc tốp đầu thế giới.
2. KHÔNG CÓ SỰ AN TOÀN TUYỆT ĐỐI Rủi ro thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu
Lại thêm một câu chuyện, có một đối tác công ty Việt Nam xuất khẩu mảng nông sản làm L/C với khách hàng Bangladesh, đất nước vẫn còn khá nghèo, nghèo hơn Việt Nam. Vẫn là LC trả ngay, vẫn là thứ mà doanh nghiệp cho rằng nó an toàn nhất, gần như hoàn hảo nhất. Lần này công ty Việt Nam có 2 containers hàng thôi, khách hàng cũng lần đầu.
Nói chung, một lần nữa, khôn ngoan không lại với trời, nhà xuất khẩu lại dính phải trường hợp hi hữu này. Thời điểm đó là cuối tháng 12/2015, hàng đi rồi, mọi chứng từ đã chuẩn bị hoàn hảo phục vụ việc xuất trình. Chứng từ gửi đi, lý thuyết thì cũng chắc mẩm chỉ 5-7 ngày hoặc cùng lắm là 10 ngày có tiền thanh toán. Điệp khúc cứ 1 tuần lại phải nhờ ngân hàng Việt Nam đánh điện đòi tiền bên đó một lần, và đều không có hồi âm.
Hàng đã sang tới cảng Chittagong, Tết thì gần tới. 45 ngày chưa nhận được tiền, khó có thể chịu đựng được hơn, ngân hàng cũng hỗ trợ đòi tiền nhưng không được. Công ty Việt chuẩn bị book vé máy bay sang đó xử lý trực tiếp rồi đó. Nhưng cuối cùng, 45 ngày, con số này dừng lại, họ nhận được tiền.
Bản chất không thay đổi, khi ngân hàng kí hậu vận đơn cho khách lấy hàng về kho, bán thương mại, thu được lãi rồi mới quay về thanh toán cho ngân hàng Bangladesh. Có sự thông đồng giữa ngân hàng và người mua mở LC, những nguyên tắc tuân thủ của UCP chẳng còn giá trị với họ.
Bài học rút ra, ý kiến tư vấn của Tôi như sau: Hãy yêu cầu ngân hàng Việt Nam của chúng ta kiểm tra khả năng tín dụng của ngân hàng mở thư tín dụng kĩ càng. Vì có thể xếp hạng tín dụng của ngân hàng nước ngoài quá thấp, dẫn tới việc rủi ro thanh khoản cực lớn. Song song, hãy yêu cầu sử dụng L/C xác nhận của những ngân hàng lớn như HSBC, PNP, JP Morgan hay Standard Charter. Hãy biết tự lo cho sự an toàn của chính doanh nghiệp Việt
3. LỪA ĐẢO CÔNG NGHỆ CAO Rủi ro thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu
Vào năm 2013 khi công ty bạn chúng tôi làm việc cùng khách hàng Indonesia, khách hàng ruột đã làm việc 1 năm. Chính vì thói quen làm việc quen thân, nên nhiều khi chúng tôi nhận thông tin và đọc mail của nhau qua loa.
Điều này được hacker theo dõi kĩ càng, hacker sẽ đánh vào sự chủ quan và thói quen làm việc đã lâu của các đối tác lâu năm. Email của nhà xuất khẩu Việt Nam đã bị hacked, kiểm soát bởi hacker. Điều đó dẫn tới việc mọi email gửi cho khách hàng đều bị chặn lại ở giữa, sau đó hacker sẽ đổi thông tin của đoạn thư.
Lô hàng đó chỉ có 1cont trị giá 11.000 usd, sau khi giao hàng và làm chứng từ đòi tiền khách theo T/T (Telegraphic transfer) như mọi lần. Đợi 7 ngày chưa thấy tiền, sốt ruột hỏi khách, khách báo đã chuyển, lại tin tưởng nên cũng không cần khách gửi biên lai chuyển tiền. Đợi 10 ngày,vẫn chưa thấy tiền đâu, phải gọi khách hàng báo vấn đề này.
Khách hàng gửi Receipt chuyển tiền, thì không thể tin được, tài khoản nhận không phải của chúng tôi.
Công ty Việt Nam ngay lập tức liên lạc với khách hàng, trao đổi thì mọi chuyện đã được giải thích rõ ràng: Hacker đã chặn đứng email, báo rằng nhà xuất khẩu đổi tài khoản sang 1 ngân hàng ở Singapore và yêu cầu khách hàng chuyển vào đó. Khách hàng đã hoàn toàn tin tưởng và cái giá của việc này là 11000 usd.
Vấn đề đáng trách ở đây: khách hàng thấy thông tin người nhận hay tài khoản đổi so với thường lệ nhưng không hề gọi điện cho chúng tôi xác nhận lại vấn đề này. Nếu nhân viên kế toán của họ là người cẩn thận, việc đổi tài khoản là điều tối kỵ và họ sẽ phải hỏi lại bên nhận tiền, nhưng họ không làm vì TIN TƯỞNG. Một bài học xương máu.
Lời khuyên với các doanh nghiệp Việt: 100% yêu cầu gửi bank receipt sau mọi giao dịch chuyển tiền. Hãy kiểm tra cẩn thận đảm bảo mọi thông tin của doanh nghiệp mình chính xác.
Một trường hợp khác, công ty nhập khẩu là đối tác của chúng tôi tại Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhưng may mắn sao, trước khi chuyển tiền, kế toán của công ty Việt đã nhận thấy bất thường của thông tin tài khoản khác trước, tên người thụ hưởng cũng khác. Và họ đã tạm dừng việc chuyển tiền, tránh mất đi số tiền 32000 usd.
Bài học từ Kiến: NÊN BẢO MẬT EMAIL bằng việc đổi password theo định kì. Nếu nhận được email thay đổi về tên tài khoản hay số tài khoản nhận tiền thì phải xác nhận qua điện thoại với đối tác nhé.
4. CẨN TRỌNG CHO CHÍNH MÌNH TRƯỚC Rủi ro thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu
Cũng có kinh nghiệm làm việc với khách hàng khối Châu Phi, Trung Đông nên tôi cũng muốn luôn lưu ý với các đối tác bên khu vực này. Và đây cũng chính là sự chia sẻ của chúng tôi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Khối Trung Đông, nhất là các nước vùng Vịnh như Dubai UAE, Arap Saudi, Kuwait, Quatar rất giàu tài chính.
Các nước châu Phi cũng có nhu cầu khá lớn nhập khẩu hàng Việt Nam.
Nhưng, xin nhấn mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các bạn hàng khu vực trên rằng, hãy chú ý vấn đề thanh toán nhé. Bởi lẽ, phần đa họ đều thích làm theo Nhờ thu (D/P hoặc D/A). Vậy có đáng tin cậy để các doanh nghiệp Việt làm theo?
Câu trả lời là gì, hãy cẩn trọng và CHỈ NÊN lựa chọn phương thức thanh toán L/C trả ngay hoặc T/T với tiền cọc tối thiểu 50% khi xuất khẩu sang các nước trên (đặt cọc 20% hay 30% vẫn rất rủi ro). Liên hệ chặt chẽ với đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại các thị trường trên để nhờ xác minh thông tin công ty nhập khẩu trước khi quyết định triển khai đơn hàng.
Hãy thương lấy bản thân mình, bảo đảm an toàn cho tiền của mình. Dẫu biết bán hàng như đánh bạc, đều có rủi ro nhưng doanh nghiệp Việt cần hạn chế tối đa rủi ro của mình.
Rủi ro thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu |
5. KIẾM TIỀN RẤT KHÓ – MẤT TIỀN RẤT DỄ
Qua quá trình làm việc xuất nhập khẩu với đối tác từ hàng chục thị trường quốc tế, hiểu về văn hóa kinh doanh cũng như đặc thù của các nước, Kiến muốn đưa ra một vài lưu ý tham khảo cho doanh nghiệp Việt Nam:
Nghiên cứu thị trường và đối tác mục tiêu kỹ càng trước khi quyết định mua bán hàng hóa
Nên sử dụng phương thức thanh toán L/C trả ngay (có LC xác nhận nếu thấy có rủi ro hoặc thiếu tin tưởng với một số thị trường) hoặc T/T đặt cọc trước khi giao hàng để tăng sự tin cậy, an toàn khi thanh toán. Mọi trường hợp nếu có thể, hay yêu cầu đặt cọc số tiền cao nhất có thể qua đàm phán, bởi KHÔNG THỂ TIN AI NGOÀI BẢN THÂN khi mua bán quốc tế
Hạn chế (hoặc không nên) sử dụng phương thức D/P hay D/A hoặc CAD cho các khách hàng không phải chiến lược hay lâu năm bởi rủi ro là rất lớn
Kiểm tra kĩ càng các điều kiện xuất nhập khẩu, các vấn đề về hàng rào kỹ thuật hay ngôn ngữ khi tiến hành mua bán với các đối tác nước ngoài
Xây dựng mối quan hệ và thường xuyên liên lạc với Đại Sứ Quán, Thương Vụ Việt Nam tại các thị trường xuất nhập khẩu chính yếu để có thông tin xác thực về các đối tác làm ăn. Hãy tự bảo vệ công ty của mình
Khi chưa thật tự tin với kinh nghiệm cũng như kỹ năng làm việc xuất nhập khẩu, hãy thường xuyên học hỏi từ những chuyên gia hay đơn vị hỗ trợ để đảm bảo hạn chế tối đa các rủi ro trên. Chúng tôi rất sẵn lòng giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam điều này.
Những bài học xương máu trên đây và chúng tôi chúng muốn chia sẻ lại kinh nghiệm này với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hãy nghiêm túc học hỏi và rút kinh nghiệm để tránh các rủi ro không đáng có.
Vậy các bạn hãy chú ý giảm thiểu Rủi ro thanh toán quốc tế trong xuất nhập khẩu với đơn vị mình.
Nguồn: Mr Hà Lê
Hãy chú ý để hạn chế tối đa những rủi ro trong hoạt động mua bán ngoại thương. Hãy thường xuyên nghiên cứu và trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm để đủ tỉnh táo trong quá trình đẩy mạnh hàng Made in Vietnam ra toàn cầu. Và nếu bạn cần có 1 chuyên gia hỗ trợ xuất khẩu hàng của công ty ra quốc tế, với mức độ an toàn tối đa, hãy để TTHQSaiGon được làm giúp bạn điều này.
Truy cập Fanpage và Group facebook XUẤT NHẬP KHẨU HCM để cập nhật các thông tin mới nhất về xuất nhập khẩu:
THỦ TỤC NHẬP KHẨU TRÁI CÂY ĐÔNG LẠNH
THỦ TỤC NHẬP KHẨU TRÁI CÂY KHÔ
0 nhận xét: